Nhà máy Ethanol Bình Phước chưa vận hành thương mại

Thời gian gần đây, có thông tin cho rằng, Nhà máy Ethanol Bình Phước vừa đi vào hoạt động đã phải đóng cửa. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, thông tin này là chưa đúng.

Thông tin Nhà máy Ethanol Bình Phước, một dự án lớn với tổng vốn đầu tư lên đến nghìn tỷ đồng, đã đóng cửa ngừng hoạt động; nhà đầu tư chính của dự án “bán tháo” cổ phần đang lan truyền trong dư luận trong và ngoài tỉnh Bình Phước. Có ý kiến cho rằng, việc đóng cửa nhà máy này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Phước, đến đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là những người trồng sắn theo dự án của Nhà máy Ethanol Bình Phước.

Trước những thông tin này, ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, cho biết: Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010 thì đến cuối năm 2012, Nhà máy Ethanol Bình Phước – tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông- được hoàn thành. Đây là liên danh giữa Tập đoàn Itochu – Nhật Bản với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam – PVOil và Công ty cổ phần Licogi 16 – Việt Nam. Vốn điều lệ của công ty là 34,5 triệu USD, trong đó PVOil 29%, Licogi 16 là 22% và Itochu 49%. Nhà máy mới chỉ vận hành thử nghiệm để tiến hành nghiệm thu, chứ chưa đi vào vận hành thương mại. Theo ông Uy, lý do là vì còn phải chờ lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống và chính sách bắt buộc sử dụng nguyên liệu sinh học. Sau khi có những chính sách này, nhà máy mới chính thức đi vào vận hành thương mại.

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình thực hiện tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống được áp dụng như sau: “Từ ngày 1/12/2014, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu là xăng E5; từ ngày 1/12/2015, xăng được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ trên địa bàn toàn quốc là E5…”.

“Việc có thông tin Nhà máy Ethanol Bình Phước đi vào hoạt động chưa được bao lâu đã phải đóng cửa là chưa đúng. Còn thông tin việc này ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là những người trồng sắn theo dự án của Ethanol Bình Phước là chưa có cơ sở. Vì Giám đốc Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông đã có văn bản chính thức khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, Công ty vẫn chưa ký bất kỳ hợp đồng trồng và bao tiêu sản phẩm nào đối với các nông hộ trồng sắn của tỉnh Bình Phước” – ông Uy khẳng định.

Về thông tin, nhà đầu tư Itochu (Nhật Bản) – đơn vị đang nắm giữ 49% cổ phần tại nhà máy Ethanol Bình Phước- đang rao bán toàn bộ phần trị giá đầu tư với giá bằng 35% số tiền đã góp tại Ethanol Bình Phước, ông Uy cho biết, việc nhà đầu tư Itochu có ý chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đã góp trong Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông cho Tập đoàn Toyo-Thai của Thái Lan (TTCL) là có thật. Hiện các bên liên quan đang trong giai đoạn đàm phán và đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu trong việc chuyển nhượng.

Năm 2010, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PV Oil), Tập đoàn Công nghiệp Itochu (Nhật Bản) và Công ty Licogi 16 đã chính thức khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất xăng sinh học ethanol Bình Phước tại xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, với số vốn điều lệ là 34,5 triệu USD. Sản phẩm của nhà máy là ethanol sẽ được pha trộn với xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để phân phối trên thị trường cả nước.

Theo thiết kế, nhà máy có công suất hơn 100 triệu lít xăng sinh học ethanol/năm, sẽ tiêu thụ khoảng 240.000 tấn sắn lát khô/năm. Khi đi vào vận hành thương mại, dự án kỳ vọng sẽ tiêu thụ một lượng lớn sắn trồng tại Bình Phước, giúp người nông dân ở địa phương làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là “đòn bẩy” công nghiệp đưa một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bình Phước đi lên phát triển công nghiệp.

Nguyễn Văn Việt

Trích nguồn: http://www.baotintuc.vn/kinh-te/nha-may-ethanol-binh-phuoc-chua-van-hanh…