Sản xuất xăng, dầu sinh học

Khi giá xăng dầu tăng cao, người tiêu dùng hy vọng vào nguồn nhiên liệu thay thế. Nhưng hiện nay, nhiều dự án sản xuất, thử nghiệm nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, chính sách và pháp lý hỗ trợ…

Năm 2006, tại TP.Hồ Chí Minh (TP.HCM) nhiều đơn vị đã bắt đầu xây dựng nhà máy, xưởng để sản xuất nhiên liệu sinh học thay thế như dầu điêzen sinh học, nghiên cứu thử nghiệm cồn ethanol, E10… Nhiều dự án, dự định phối hợp giữa đơn vị sản xuất và các nhà cung ứng nhiên liệu.

Theo số liệu từ Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tính đến thời điểm đầu năm 2008, thành phố hiện có hàng chục nghiên cứu, dự án tìm hướng sản xuất, phát triển nguồn nhiên liệu này.

Với số lượng này quả là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng sản xuất, hướng ra cho người tiêu dùng vẫn còn nhiều khó khăn. Dự án sản xuất thử nghiệm dầu điêzen sinh học của Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, dự kiến trong 2 năm sẽ sản xuất khoảng 200 m3 dầu. Nhưng sau hơn 1 năm sản xuất, số lượng mới chỉ đạt được 1/10 con số đó: ở mức 20 m3. Vì sản xuất được quá ít, đơn vị này không thể kết hợp với Saigon Petro.

Theo tính toán của một chuyên gia, mỗi ngày TP.HCM thải ra khoảng 7 tấn dầu ăn phế thải, tương đương với 7 tấn dầu điêzen sinh học. Với con số đó thì thật vô lý khi nói thiếu nguyên liệu để sản xuất bio-diesel. Nhưng nguyên nhân các đơn vị sản xuất được ít nhiên liệu sinh học lại chính ở đó. Máy móc, thiết bị, công nghệ, con người và cả hạ tầng đã có đủ, nhưng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Theo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, mỗi ngày, thiết bị có thể hoạt động 2 m3 dầu nhưng cả tháng mới gom được khoảng 4 m3 dầu phế thải mặc dù đã có nhiều biện pháp thu gom. Chính vì thiếu nguyên liệu để sản xuất nên Công ty Agifish cũng đã phải tự ngừng sản xuất dầu điêzen sinh học như dự định.

Ngoài ra các đơn vị sản xuất, nghiên cứu còn gặp phải các vấn đề khác như chưa có tiêu chuẩn chất lượng, chính sách hỗ trợ, pháp lý đối với nhiên liệu sinh học… Tại một số viện nghiên cứu, việc sản xuất xăng, dầu sinh học chỉ để thử nghiệm chứ… không phải để bán. Theo Viện Sinh học nhiệt đới, nếu bây giờ sản xuất được số lượng lớn nhiên liệu sinh học cũng sẽ khó có người dám mua. Bởi, nếu mua thì có cho phép pha với xăng, dầu thông thường hay không và pha theo tỉ lệ bao nhiêu cũng chưa có quy định? Mặt khác, với giá nguyên liệu leo thang như hiện nay, nếu Nhà nước không đưa ra sự hỗ trợ nào thì nhiên liệu sinh học sẽ rất khó cạnh tranh vào giai đoạn đầu.

Nguồn: INFOTERRA VN (XL theo Người Lao động, 28/2/2008)

Tags: