Ngày 23/5/2014, Ban Hợp tác Quốc tế – Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với Agbiotech Việt Nam tổ chức thành công buổi Tọa đàm “Cây trồng công nghệ sinh học – Những vấn đề cần quan tâm”.
Trên 50 đại biểu từ Viện di truyền Nông nghiệp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo Hội Nông dân Thành phố Bắc Giang, lãnh đạo Hội Nông dân các phường, xã của tỉnh, cán bộ chi hội, các câu lạc bộ nông dân, nhóm liên kết sản xuất nông nghiệp, một số hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuât nông nghiệp, phóng viên các báo, đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bắc Giang đã tham dự buổi Tọa đàm.
Sau phần giới thiệu thành phần tham dự tọa đàm, Đồng chí La Văn Đoàn – Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phát biểu khai mạc.
Thuyết trình tại buổi Tọa đàm Tiến sĩ Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình bày về Hiện trạng nghiên cứu, sử dụng cây trồng biến đổi gen trên thế giới và Việt Nam, bài thuyết trình dễ hiểu và những dẫn chứng minh họa rất cụ thể đã giúp cho người nghe hiểu được từ những khái niệm về công nghệ sinh học, về gen, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật biến đổi gen; sự phát triển của cây trồng BĐG trên thế giới (diện tích cây trồng CNSH, các nước trồng cây CNSH, các loai cây CNSH, các giống cây trồng BĐG trên thế giới, các nước chính thức sử dụng cây trồng CNSH, các nước có năng lực tạo ra cây trồng CNSH và các công ty giống…); tính ưu việt vượt trội của việc sử dụng cây trồng CNSH: Công nghệ kháng sâu bệnh, kháng thuốc diệt cỏ, khả năng chịu hạn, tăng năng suất….Diễn giả cũng đề cập tới vấn đề an toàn sinh học cây trồng BĐG, hiện nay tuy còn nhiều tranh cãi về lợi ích cũng như rủi ro mà cây trồng biến đổi gen mang lại nhưng từ khi ứng dụng đến nay, trên thế giới chưa ghi nhận được các bằng chứng khoa học chứng minh cây trồng biến đổi gen có nguy cơ mất an toàn cao hơn so với cây trồng truyền thống; Bài thuyết trình cũng cập nhật các thông tin về các thử nghiệm cây trồng BĐG ở Việt Nam, quá trình khảo nghiệm một số giống ngô biến đổi gen ở Việt Nam và các quy định quản lý của Nhà nước đối với các sản phẩm biến đổi gen.
Bài thuyết trình đã giúp người nghe hiểu các thông tin về cây trồng công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng công nghệ chuyển gen trong và ngoài nước, từ đó giúp nâng cao nhận thức về cây trồng biến đổi gen.. Cây trồng biến đổi gen được biết đến như là một trong những giải pháp giúp thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực cũng như phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại buổi tọa đàm AgbiotechVN đã có phần giới thiệu và hướng dẫn truy cập các nguồn thông tin cây trồng công các nguồn tin khoa học đáng tin cậy cho công chúng, trong đó có nông dân.
Tại buổi tọa đàm phần thảo luận, trao đổi ý kiến đã diễn ra khá sôi nổi. Những người tham dự đã đưa ra nhiều câu hỏi, băn khoăn về cây trồng BĐG, đại biểu Hoàng Văn Viết – Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Khê, TP Bắc Giang băn khoăn về việc phân biệt giữa 2 loại cây trồng bản địa (cây trồng truyền thống) và cây trồng BĐG, nếu nông dân muốn trồng những loại cây trồng BĐG thì mua giống ở đâu?; Đại biểu Nguyễn Văn Minh – Chủ tịch HND phường Dĩnh Kế, tp Bắc Giang hỏi: Trước vấn đề an ninh lương thực, vấn đề dinh dưỡng mà Việt Nam đang gặp phải các nhà khoa học đã tham mưu gì cho Chính phủ để có những lộ trình phát triển mang lại lợi ích cho nông dân và tất cả mọi người; Đại biểu La Văn Đoàn – Phó chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang có những băn khoăn về việc nhập khẩu giống hay nhập khẩu sản phẩm BĐG? Tại sao Nhà nước không hỗ trợ để chúng tôi sớm có giống để trồng…Một số ý kiến khác mong muốn nhà nước có những chính sách để nông dân sớm có được những giống cây mới, giống lúa chịu hạn để giúp người nông dân tăng vụ trồng, tăng năng suất đối với những vùng có khí hậu nóng và thiếu nước để gieo trồng nhiều vụ trong năm.
Ts Lê Huy Hàm đã giải đáp những thắc mắc của các đại biểu và cho biết cũng đang kiến nghị với Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phats triển nông thôn có thể hợp tác với nước ngoài để sớm đưa giống cây trồng BĐG vào VN. Đối với cây ngô, cây đậu tương kháng sâu bệnh, hy vọng trong 1-2 năm tới chúng ta sẽ có giống cây trồng. Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang quan tâm tới lĩnh vực này.
Buổi tọa đàm cũng đã nhận được nhiều câu hỏi về việc truy cập, tìm hiểu các thông tin về cây trồng công nghệ sinh học, một khó khăn thường gặp ở những vùng nông thôn hiện nay là khả năng tiếp cận thông tin về cây trồng CNSH qua mạng điện tử còn hạn chế do ít được sử dụng ở các vùng nông thôn. Agbiotechvn đã soạn và hướng dẫn chi tiết về cách thức sử dụng và truy cập vào trang mạng Agbiotechvn và phát tới tận tay các đại biểu, đồng thời sẽ tìm phương thức thích hợp để đưa thông tin đến người sử dụng khi có yêu cầu./.
Agbiotechvietnam