Hội thảo khoa học: “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”

Ngày 26/9/2014, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: “Vai trò và tác động của truyền thông trong tiến trình ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu gồm các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Quốc hội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn; Bộ tài nguyên môi trường; Bộ Khoa học Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; Hội Di truyền học Việt Nam; một số doanh nghiệp và 47 cơ quan báo chí, truyền thông và sinh viên.

Chủ trì Hội thảo có PGS,TS Phạm Huy Kỳ, Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền; GS,TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; GS,TS Lê Đình Lương, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã tập trung làm rõ vai trò trong cây trồng biến đổi gen. Đa số cho rằng cây trồng biến đổi gen là một trong những công nghệ mới giúp tăng năng suất cây trồng và nâng cao thu nhập cho người nông dân và được khẳng định là một trong những thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại; Đồng thời các chuyên gia, nhà khoa học cũng nêu lên thực trạng của các thông tin về cây trồng biến đổi gen thời gian qua. Việc đưa ra những nguồn tin chưa được cập nhật và cách thức tuyên truyền không rõ định hướng đã dẫn đến những hiểu lầm, gây tâm lý lo ngại của dư luận về cây trồng biến đổi gen. Vì vậy, truyền thông phải đóng vai trò then chốt trong định hướng dư luận và phổ biến kiến thức ứng dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen này đến người dân nói chung và nông dân nói riêng.

Theo Phó giám đốc Học viện Nguyễn Hồng Kỳ, việc đưa ra những nguồn tin chưa được cập nhật và cách thức tuyên truyền không rõ định hướng đã dẫn đến những hiểu lầm và tâm lý lo ngại của dư luận về cây trồng biến đổi gen. Truyền thông cần đóng vai trò then chốt trong định hướng dư luận và phổ biến kiến thức ứng dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen này đến người dân. Ông nói: “Các cơ quan báo chí truyền thông phải truyền tải thông tin một cách đầy đủ đến người dân là yếu tố quan trọng nhất. Muốn làm được điều này chính các phóng viên, nhà báo cũng như các cơ quan quản lý về báo chí và truyền thông phải có định hướng trong việc thông tin cũng như tạo điều kiện để phóng viên của mình tiếp cận thông tin cây trồng BĐG ở Việt Nam như thế nào. Nếu không có những thông tin và am hiểu về lĩnh vực này thì thông tin đưa đến người dân nói chung và nông dân nói riêng sẽ không đầy đủ và toàn diện, thậm chí là sai lệch thông tin”.

Theo GS.TS Lê Đình Lương, vai trò của truyền thông là vô cùng quan trọng, góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Tuy nhiên, người làm truyền thông cần tìm hiểu kĩ hơn về các vấn đề có liên quan đến công nghệ biến đổi gen để hình thành cho mình lập trường đúng đắn.

Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng biến đổi gen là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia. Theo chủ trương của Chính phủ về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, Việt Nam hướng tới năm 2015 sẽ đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất và đến năm 2020 sẽ nâng diện tích trồng các giống cây biến đổi gen lên đến 30-50%.

Trong bối cảnh vẫn tồn tại những luồng ý kiến trái nhau về ứng dụng và sản xuất cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam, Hội thảo lần này là một diễn đàn mở để đại diện các cơ quan quản lý; các chuyên gia; các nhà khoa học; các nhà báo… trao đổi và thảo luận về các nội dung liên quan đến tiến trình ứng dụng công nghệ sinh học nói chung và cây trồng biến đổi gen nói riêng trong nông nghiệp tại Việt Nam.

AGBIOTECHVN