Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực KH&CN, đồng thời là cơ sở KH&CN của một ngành kinh tế tri thức mới, trong thời đại ngày nay là CNSH. Do vậy, khi nói đến CNSH cần phải bao hàm cả hai ý nghĩa là lĩnh vực khoa học công nghệ và ngành kinh tế CNSH.
Hiện nay ở Việt nam, khi nhắc tới thuật ngữ CNSH, nhiều người còn nhận thức tách biệt giữa khía cạnh kinh tế và khía cạnh KH&CN. Vì nhận thức CNSH là một lĩnh vực khoa học cho nên chương trình CNSH được giao cho các cơ quan quản lý KH&CN (Bộ KH&CN, các Sở KH&CN…) chủ trì tổ chức triển khai. Vì thế, nếu được đầu tư đúng mức, các chương trình này có thể tạo ra một đội ngũ cán bộ nghiên cứu triển khai giỏi, một hệ thống cơ quan nghiên cứu triển khai tốt, tạo được nhiều kết quả khoa học công nghệ có giá trị, nhưng chưa chắc đã tạo ra sản phẩm hàng hóa và tạo dựng được một nền công nghiệp hoặc một nền kinh tế CNSH. Cần có sự tham gia của các ngành kinh tế và các ngành mà sản phẩm ứng dụng và nâng cao hơn nữa nhận thức về khía cạnh kinh tế-kỹ thuật của CNSH.
Trong thời gian, tới việc phát triển CNSH tại Tp. Hồ Chí Minh cần phải được chỉ đạo ở một tầm cao hơn để đạt đến mục tiêu hình thành một ngành kinh tế CNSH có tính cạnh tranh cao. Ban chỉ đạo cần có đủ quyền hạn và năng lực để phối hợp với các cơ quan quản lý cấp cơ sở về kế hoạch đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, y tế, công nghiệp, và các đơn vị chuyên môn như Viện kinh tế, Hội đồng đại học và Hội đồng tư vấn CNSH… để trực tiếp chỉ đạo chương trình phát triển CNSH.
Các sở quản lý chức năng sẽ tham gia quản lý nhà nước về việc tổ chức thực hiện các nội dung tương ứng với chức năng của mình. Hội đồng đại học tham gia vào nội dung đào tạo nguồn nhân lực. Tất cả các hoạt động này sẽ tạo tác động trực tiếp lên các nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CNSH qua đó sẽ góp phần hình thành nền công nghiệp và kinh tế CNSH.
(Nguồn: NACESTI -Theo Khoa học Phổ thống, 5/2007)