Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) gồm 6 chương, 63 điều, quy định những điểm chung nhất trong việc CGCN. Quan điểm thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt nhất để các bên tham gia vào quá trình CGCN. Trong đó tăng mức chủ động cho các doanh nghiệp trong việc CGCN: giá cả do 2 bên thỏa thuận, thời hạn hợp đồng CGCN cũng không có giới hạn và thời điểm CGCN cũng do 2 bên thỏa thuận. Đó là những điểm khác cơ bản so với trước đây. Chính điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường công nghệ ở Việt Nam.
Tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật CGCN của Quốc hội, nhiều đại biểu băn khoăn về các vấn đề như: khuyến khích CGCN cho vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân trong hoạt động CGCN, chính sách đổi mới công nghệ. Để làm rõ thêm vấn đề này, Báo KH&PT đã trao đổi với ông Đặng Duy Thịnh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách KH&CN, Tổ phó thường trực tổ soạn thảo Luật CGCN.
Ông Đặng Duy Thịnh cho biết: Dự án Luật CGCN lần này quy định không phải tất cả những hợp đồng CGCN đều phải đăng kí xin cấp phép. Những hợp đồng CGCN liên quan đến lợi ích quốc gia, trong đó bao gồm lợi ích kinh tế, an ninh quốc phòng, sức khỏe, văn hóa, thuần phong mĩ tục thì mới bắt buộc phải đăng kí. Đó là những công nghệ hạn chế chuyển giao. Bên cạnh đó, còn một loại nữa là công nghệ cấm chuyển giao vì ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia. Nhà nước sẽ ban hành danh mục những công nghệ cấm chuyển giao, hạn chế chuyển giao. Nhưng theo ông Thịnh, danh mục này cũng rất ít. Còn lại phần lớn đều tự do chuyển giao trong nước cũng như ra nước ngoài.
Về chính sách khuyến khích CGCN ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, theo ông Đặng Duy Thịnh, Dự thảo Luật lần này cũng quy định tất cả các thành phần kinh tế đều được khuyến khích tham gia vào quá trình CGCN, trong đó có dịch vụ môi giới, tư vấn, giám định, định giá công nghệ. Để thực hiện chính sách này, Nhà nước sẽ thành lập Quỹ quốc gia đổi mới công nghệ để hỗ trợ cho quá trình CGCN, trong đó nhấn mạnh đến việc hỗ trợ các hợp đồng CGCN ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh Quỹ quốc gia, Dự thảo Luật cũng quy định các doanh nghiệp có thể trích một phần lợi nhuận trước thuế phục vụ cho công tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Đây là cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác KH&CN của mình. Dưới sự hỗ trợ của Quỹ quốc gia và quỹ do các doanh nghiệp thành lập, hoạt động đổi mới công nghệ chắc chắn sẽ khởi sắc rất mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Đặng Duy Thịnh, Dự thảo Luật CGCN cũng quy định một điểm tương đối căn bản là giao quyền chủ sở hữu cho các đơn vị trực tiếp tạo ra sản phẩm công nghệ, mặc dù công nghệ đó do ngân sách nhà nước cung cấp. Khi kết quả đó được thương mại hóa, tác giả được hưởng ít nhất 20% giá trị công nghệ, phần làm lợi do công nghệ đó tạo ra. Đó là động lực khuyến khích các nhà khoa học hăng say nghiên cứu. Phần còn lại không phải nộp lại cho nhà nước mà được giữ lại để phục vụ đầu tư cho nghiên cứu hoặc đầu tư khác của Viện. Đây là một kinh nghiệm của nước ngoài, nhằm phát huy tối đa động lực sáng tạo, tạo ra công nghệ gắn liền với sản xuất. Hy vọng cơ chế như vậy sẽ tạo ra động lực cho các tổ chức nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, các tổ chức môi giới CGCN từ đơn vị nghiên cứu đến các doanh nghiệp cũng có thể được hưởng mức thù lao tới 10% giá thanh toán bên mua, bên bán.
Theo Báo Khoa học và Phát triển 02/11/2006