Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam: phù hợp với “sân chơi” quốc tế

Sau 11 năm với 28 đối tác đàm phán, 14 phiên đàm phán đa phương chính thức và không chính thức, ngày 7/11/2006 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của WTO. Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu một quá trình phát triển của đất nước.

Việc gia nhập này đã đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức cho Việt Nam. Ngành KH&CN đã chuẩn bị cho tiến trình hội nhập như thế nào? Chúng ta đã xây dựng pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, xây dựng các tiêu chuẩn của Việt Nam hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN sẽ phải làm gì để hội nhập quốc tế?…

Mới đây Báo Khoa học & Phát triển đã mở diễn đàn “Gia nhập WTO: KH&CN gắn sản xuất kinh doanh với đời sống” nhằm trao đổi những kinh nghiệm, cũng như tìm được những đề xuất giúp cho ngành KH&CN hội nhập vào “sân chơi” quốc tế.

Trong suốt hơn chục năm qua, kể từ khi Việt Nam xin gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), sở hữu trí tuệ luôn là một trong các nội dung đàm phán đa phương và nhiều cuộc đàm phán song phương quan trọng. Những nước quan tâm nhiều nhất đến vấn đề này là Hoa Kỳ, EU, Thụy Sỹ, Ôxtrâylia, Nhật Bản và thậm chí cả Mêxicô. Trong cuộc chơi này, Việt Nam đã phải xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng được sự quan tâm của các nước.

Ông Phạm Đình Chướng – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết việc đàm phán về sở hữu trí tuệ là việc rà soát, đối chiếu các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam với các quy định về sở hữu trí tuệ của WTO – cụ thể là với Hiệp định về sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) của tổ chức này – để xem pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn thiếu những gì, những gì đã có nhưng không phù hợp với TRIPS, từ đó WTO yêu cầu Việt Nam phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Ông Phạm Đình Chướng nói: “Có những vấn đề các đối tác cho rằng quy định của Việt Nam không phù hợp với WTO, nhưng chúng ta giải thích, chứng minh ngược lại. Có những vấn đề Việt Nam phải thừa nhận sự không phù hợp và phải đưa ra lịch trình khắc phục sự không phù hợp đó. Toàn bộ quá trình đàm phán trong thời gian qua là việc thực hiện những công việc đó, đồng thời là việc Việt Nam từng bước khắc phục khoảng cách giữa pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam với Hiệp định TRIPS của WTO”.

Về các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, được xuất khẩu nhiều, thậm chí đứng đầu thế giới nhưng khi đến tay người tiêu dùng, thì đã được hiện diện dưới nhãn hiệu nước ngoài. Theo Ông Phạm Đình Chướng sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu từ Việt Nam và giá bán cho người tiêu dùng tại nước ngoài bắt nguồn từ sự vắng bóng nhãn hiệu của Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc và điều phối một cách hợp lý mối tương quan giữa lợi ích lâu dài với lợi ích trước mắt. Bỗng nhiên hay đột ngột xuất hiện trên thị trường dưới một nhãn hiệu mới tinh mà không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thông tin, tâm lý cho người tiêu dùng, thì chắc chắn không thể thành công được. Nông sản của Việt Nam, ngay cả các nông sản truyền thống, chủ lực, đều phải có nhãn hiệu riêng nhưng điều quan trọng không phải chỉ là gắn nhãn hiệu cho chúng mà phải áp dụng một loạt các giải pháp phối hợp để nhãn hiệu xuất hiện, duy trì, phát triển lâu dài.

Ngoài ra, khi tham gia WTO Việt Nam còn phải đối mặt với sở hữu công nghiệp và giống cây trồng, là hai lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Bởi các sáng chế không chỉ được tạo ra trong công nghiệp, mà có rất nhiều sáng chế được tạo ra trong nông nghiệp và phục vụ cho nông nghiệp. Giống cây trồng mới là một đối tượng sở hữu trí tuệ đặc biệt và có vai trò sống còn đối với việc phát triển nông nghiệp và cạnh tranh rất gay ngắt trong mặt trận này. Công nghệ sinh học là mũi nhọn tích tụ các sáng chế về nông nghiệp và có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với nông nghiệp. Một tác động quan trọng nữa là nguồn gen.

Theo Báo Khoa học & Phát triển 14/ 11/2006