Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam đang rộ lên việc trồng cây jatropha – một loài cây họ thầu dầu, để làm nguyên liệu sản xuất dầu diesel sinh học, thay thế dần nguồn dầu mỏ đang cạn kiệt.
Từ cuối năm 2007 tới nay, sau khi Thủ tướng phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã có nhiều đơn vị, cá nhân tập trung nghiên cứu và đâu tư phát triển cây jatropha.
Tiến sỹ Phạm Văn Tuấn, trưởng phòng khoa học và đối ngoại trường Đại học Thành Tây – một trong những đơn vị đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về loại cây này – cho biết trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp của nước ngoài, đặc biệt là Hiệp hội Chấn hưng Nhật bản (NPO), Công ty Năng lượng Sinh học Shine Sun của Đài Loan (Trung Quốc) đã tới ký kết hợp tác đầu tư phát triển cây jatropha với diện tích rất lớn.
Ngoài 1ha trồng tại vườn thực nghiệm của trường tại Chương Mỹ (Hà Tây) đã cho thu hoạch quả lứa đầu, hiện nay, trường Đại học Thành Tây đã hợp tác với Công ty Núi Đầu (Lạng Sơn) trồng 120ha cây jatropha tại các xã Hữu Kiên, Tân Lập, Chiêu Vũ và Thụy Hùng.
Cây jatropha phân bố ở hầu khắp các vùng nhiệt đới vào cận nhiệt đới, nhưng tới gần đây, người ta mới phát hiện ra tiềm năng sản xuất dầu diesel thân thiện với môi trường và nhiều hoạt chất sinh học khác của nó.
Hàng loạt quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philíppin và nhiều nước châu Phi, Mỹ Latinh đang phát triển cây này, ngoài mục đích phục vu nhu cầu năng lượng tại chỗ và xuất khẩu, còn có phần rất quan trọng là góp phần tăng thêm thảm thực bì chống xói mòn đất. Đặc biệt, jatropha là cây lâu năm, có khả năng sinh trưởng và phát triển được ở các vùng đất nghèo kiệt, nên ngoài vai trò che phủ bảo vệ đất, nó còn có vai trò như một loại cây xóa đói giảm nghèo.
Theo tính toán của các chuyên gia, sau 3 năm trồng cây jatropha trên vùng đất nghèo kiệt, năng suất hạt trung bình cũng có thể đạt trên 5 tấn/ha và chăm sóc tốt có thể đạt hơn 10 tấn. Với tỷ lệ dầu có trong hạt từ 31-37% và căn cứ vào giá bán hiện nay trên thị trường là 700 USD/ tấn thì thu nhập của người nông dân trồng loại cây này không phải là nhỏ./.
(Theo TTXVN)