Các nước phát triển cần thúc đẩy chuyển giao các công nghệ nhiên liệu sinh học then chốt sang các nước đang phát triển, đó là lời kêu gọi của Hội Hoàng gia Anh hôm 14/01/2008.
Bản báo cáo mang tựa đề: “Nhiên liệu sinh học bền vững: triển vọng và thách thức” đã đánh giá các tác động môi trường, kinh tế và xã hội của nhiên liệu sinh học và đưa ra một số yêu cầu cần thiết về nghiên cứu và phát triển nhằm cải tiến tính hiệu quả của chúng, như gia tăng sản lượng và chất lượng của cây trồng dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Các tác giả đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của các cơ chế phù hợp nhằm tạo điều kiện cho chuyển giao công nghệ và kêu gọi các bộ của Anh như Bộ Phát triển Quốc tế bắt tay vào hành động.
“Do hầu hết các công nghệ nhiên liệu sinh học chủ yếu được phát triển tại các quốc gia thuộc Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) và tại các nền kinh tế đang nổi, ở đây cần có những cơ chế thích hợp để tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ một cách có hiệu quả đến và giữa các nước đang phát triển. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng nhiên liệu sinh học được phát triển một cách bền vững, bất chấp những khác biệt về địa lý”, các tác giả viết.
Theo công trình nghiên cứu trên, việc nghiên cứu nhiều hơn về những tác động môi trường của nhiên liệu sinh học là điều cần thiết và không thể cân nhắc phát triển nhiên liệu sinh học một cách hỗn hợp.
Jeremy Woods thuộc Trung tâm Chính sách Môi trường tại Imperial College, London, một thành viên của Nhóm công tác soạn thảo Báo cáo phát biểu: “Một trong những bức thông điệp then chốt của bản báo cáo là để nói rằng các loại nhiên liệu sinh học không giống nhau. Việc bạn có thể đảm bảo đến mức độ nào để có được một loại nhiên liệu sinh học “tốt” là vấn đề ưu tiên quan trọng tuyệt đối đối với việc hoạch định chính sách ở thời điểm này”.
Công trình nghiên cứu còn đưa ra những vấn đề chính sách bổ sung. Đặc biệt là, các tác giả đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của các hệ thống chính sách tập trung vào các yếu tố không chắc chắn liên quan đến môi trường, kinh tế, xã hội phát sinh do phát triển nhiên liệu sinh học.
“Các chính sách tương lai cần mang nhiều tham vọng và có phạm vi rộng hơn so với được dự báo vài năm trước đây. Ở đây cần có những những xúc tiến quốc tế và sự hài hòa giữa các quy định, đặc biệt là những quy định về sản xuất và sử dụng bền vững nhiên liệu sinh học cùng với các vấn đề thương mại đối với nguồn nhiên liệu này”, bản Báo cáo viết.
Hôm 23/01/2008 Liên minh châu Âu (EU) đã công bố chỉ thị về năng lượng tái tạo của mình, nhằm chính thức hóa kế hoạch đạt mức 10% nguồn nhiên liệu dùng trong giao thông được sản xuất từ nhiên liệu sinh học.
Mục tiêu này làm nảy sinh những mối lo ngại rằng nó có thể gây tổn hại các nước đang phát triển và môi trường. “Chỉ thị này là một bước tiến rất tốt. Tôi cho rằng mục tiêu 10% là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, EU cần nghiêm túc hơn về mức độ chi tiết trong các kế hoạch đảm bảo chắc chắn và xác thực mà họ kiến nghị”, Woods nói.
(Sci.Dev.Net, 25/01/2008)