Các quốc gia Đông Nam Á đang sẵn sàng đón nhận một sự bùng nổ dầu cọ, do mối quan tâm đến nhiên liệu sinh học đang tăng mạnh, nhưng các nhà hoạt động cảnh báo loại cây trồng này có thể sẽ không đáp ứng được cơn khát năng lượng toàn cầu cả về mặt xanh và sạch.
Họ cảnh báo rằng việc trồng cây cọ lấy dầu đòi hỏi những vùng đất rộng lớn, điều này có thể làm cho những cánh rừng của khu vực biến mất, tước đi những mảnh đất đáng lẽ ra nên dùng để trồng lại rừng hay những nơi vốn là nguồn sinh sống của nhân dân địa phương.
Các Chính phủ và các công ty đang tranh giành để kiếm lời do giá dầu cọ đã tăng vọt trong năm ngoái xuất phát từ nhu cầu tăng cao tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, là nơi nhiên liệu sinh học sẽ chiếm 10% lượng nhiên liệu dùng cho động cơ vào năm 2020.
Inđônêxia đã khởi xướng một chương trình phát triển nhiên liệu sinh học đặc biệt tham vọng với mục đích đáp ứng 17% nhu cầu năng lượng của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025. Evita Herawati, Trợ lý Bộ trưởng năng lượng Inđônêxia cho biết, nước này sẽ dành 5,5 triệu hecta để trồng cây sản xuất nhiên liệu sinh học vào năm 2010, trong đó 1,5 triệu hecta là để trồng cây cọ lấy dầu. Mục tiêu chính là để “tạo việc làm và thanh toán đói nghèo”, với 3,5 triệu việc làm mới sẽ được tạo nên vào năm 2010.
Vấn đề là đất đai sẽ được lấy từ đâu đã làm cho các nhà hoạt động phải lo ngại, họ chỉ ra rằng phần lớn những cánh rừng có chứa than bùn của Inđônêxia đã bị đốt phá, làm thoát ra những khối lượng lớn cacbon dioxit.
Rully Syumanda, thuộc Cơ quan kiểm soát môi trường của Inđônêxia cho biết, kiến nghị sử dụng đất để trồng cọ lấy dầu trong những năm gần đây được sử dụng như là “một lý do để phát quang đất đai và khai thác nhiều gỗ quí hơn”. Ông ước tính rằng, có gần 17 triệu hecta rừng ở Inđônêxia đã bị phát quang với bề ngoài là để trồng cọ kể từ năm 1960, nhưng chỉ có 6 triệu hecta được dùng để trồng cọ. Ông cũng thừa nhận là Chính phủ Inđônêxia hiện đang thực hiện những nỗ lực để trồng lại rừng, bắt giữ những kẻ phá hoại và kiểm tra ngành công nghiệp, nhưng theo ông cho biết điều đó hoàn toàn không thể so sánh với tổn thất gây ảnh hưởng tới môi trường.
Các công ty tại Malaixia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, được dự báo là sẽ bị Inđônêxia làm cho lu mờ trong năm nay cũng đang bị lôi cuốn bởi những dải đất rộng lớn đã được phát quang. Bộ trưởng phụ trách trồng trọt của Malaixia, Peter Chin, đã cam kết rằng sản xuất dầu cọ sẽ không gây phá hủy môi trường và cho biết các công ty của Malaixia sẽ đẩy mạnh năng suất bằng cách trồng lại với các giống cho sản lượng cao hơn và áp dụng các kinh nghiệm nông học tiên tiến. “Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng bất kể những gì chúng tôi làm sẽ đều không gây tổn hại đến môi trường và các thế hệ tương lai của chúng ta”, ông nói.
Theo Ủy ban Dầu cọ Malaixia, 65% tổng diện tích đất đai, tức là gần 33 triệu hecta, của Malaixia là những cánh rừng. Phần diện tích đất sử dụng để trồng cọ chỉ chiếm 12%. Alvin Tai một nhà phân tích trồng trọt, thuộc Thị trường chứng khoán OSK Securities, cho biết, hầu hết các công ty có tên trên thị trường chứng khoán Malaixia đều đang triển khai tại Inđônêxia do ngân hàng đất tại Malaixia hạn hẹp.
Nước láng giềng ở phía Bắc của Malaixia là Thái Lan cũng bắt đầu tham gia trò chơi. Giá dầu cọ tăng cao, bị chi phối bởi sự tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế của Bangkok đã khiến cho ngày càng có nhiều nông dân chuyển từ trồng cao su và cây ăn quả sang trồng cọ lấy dầu, theo một quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết. Giá dầu cọ địa phương đã tăng cao hơn gấp đôi, từ 2 baht/kg vào năm ngóai tăng lên 4 baht/kg.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Philippin cho biết nước này có khoảng 25.000 hecta đang được trồng trọt, nhưng họ còn có 454.000 hecta diện tích đất có thể được đưa vào sử dụng, chủ yếu là cánh đồng cỏ và bụi rậm nằm ở phía Nam, hiện đã được lên kế hoạch để trồng trọt.
NACESTI (AFP, 12/09/2007)