59% diện tích lúa sử dụng giống Việt Nam chọn tạo

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các giống lúa do Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước đạt 4,6 triệu ha, chiếm 59% diện tích lúa cả nước.

Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo chiếm 77% diện tích cả vùng; trong đó, giống lúa chất lượng cao OM5451 đã được gieo trồng trên diện tích gần 1 triệu ha.

Các giống lúa cho năng suất tăng trung bình 10% so với giống cũ, sản lượng thóc tăng thêm 1,65 triệu tấn, làm lợi cho sản xuất lúa trên 8.000 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ: giống, vật nuôi, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới… của các viện, trường đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.

Nhiều quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng đã giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2017, các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ NN&PTNT đã công nhận được 48 giống cây trồng mới; 29 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới; nhiều cây giống, con giống có chất lượng cao đã được công nhận và chuyển giao cho sản xuất.

Năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2025.

Cùng với đó là tổ chức nghiên cứu, triển khai và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ để phát triển sản phẩm quốc gia, xây dựng thương hiệu sản phẩm quốc gia về lúa gạo, nấm ăn và nấm dược liệu, cà phê chất lượng cao, sản phẩm cá da trơn, tôm và mở rộng đối với các sản phẩm nông nghiệp khác.

Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp vào nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ