Việt Nam cho phép sử dụng ngô biến đổi gene

Bộ Nông nghiệp vừa cấp giấy xác nhận thực vật biến đổi gene có đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi cho 4 sản phẩm ngô biến đổi gene đầu tiên ở Việt Nam.

Quyết định do Bộ trưởng Cao Đức Phát ký nêu rõ, bốn sản phẩm ngô biến đổi gene được phê duyệt lần này gồm giống BT 11, MIR162 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Syngenta Việt Nam và giống MON 89034, NK603 của Công ty trách nhiệm hữu hạn Dekalb Việt Nam.

Giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gene, theo đúng trình tự được quy định.

Các sản phẩm cây trồng biến đổi gene đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng tại Việt Nam đây là lần đầu tiên, 4 sản phẩm biến đổi gene được xác nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam và đảm bảo không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.

Đại diện Bộ Nông Nghiệp cho hay, quyết định này là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020. Sự kiện này cũng đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đưa các sản phẩm biến đổi gene vào sản xuất trong nông nghiệp.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, sự kiện trên được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu tình trạng nhập siêu ngô tăng liên tục trong những năm trở lại đây. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2014, so với cùng kỳ năm trước, khối lượng nhập khẩu ngô đạt 2,33 triệu tấn và giá trị nhập khẩu đạt 599 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần về lượng và 87,1% về giá trị. Nhiều khả năng đến hết năm nay, Việt Nam sẽ nhập khẩu trên 4,5 triệu tấn ngô (đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu) và ước tính chi phí sẽ lên đến khoảng hơn một tỷ USD.

Trao đổi với VnExpress trong lần sang Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, tiến sĩ Graham Brookes, đến từ Anh, người có gần 30 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm khẳng định: “Không có tác động tiêu cực nào ở cây trồng biến đổi gene đối với môi trường đất hay hệ vi sinh vật trong đất và cũng không có bất kỳ nghiên cứu nào về cây trồng biến đổi gene làm phát sinh bên mới trên quần thể sinh vật”.

Theo vị chuyên gia này, công nghệ sinh học trên thực tế đã mang lại rất nhiều lợi ích như giúp nhiều loại cây trồng, sinh vật trong đất được an toàn hơn vì giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, không làm tác động đến các loài thiên địch có lợi, hay các loại giống cây, các loại chất trong đất.

“Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu đánh giá thực vật biến đổi gene là hoàn toàn an toàn. Nếu không chứng minh được là an toàn thì đã không có nhiều quốc gia tiên tiến phát triển phê chuẩn cho phép các sản phẩm công nghệ biến đổi gene được tiêu dùng”, tiến sĩ Graham Brook nói.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, tiến sĩ Graham Brook cho rằng, khi tiếp cận công nghệ mới ban đầu mọi người đều luôn thận trọng. “Nhưng đến nay sẽ không có tổ chức hay cá nhân nào có thể công bố được bất kỳ luận cứ khoa học chính xác đầy đủ về tác động tiêu cực của cây trồng biến đổi gene”, vị chuyên gia đến từ Anh nhấn mạnh.

Sau xác nhận trên của Bộ Nông nghiệp, để đưa vào sản xuất và cây trồng biến đổi gene chính thức được sử dụng tại Việt Nam thì theo quy trình, người dân vẫn phải chờ quyết định phê duyệt về an toàn sinh học của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/viet-nam-cho-phep-su-dung-ngo-bien-…