Không thể bỏ qua công nghệ biến đổi gen

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định công nghệ biến đổi gen là một thành tựu khoa học của nhân loại, không thể bỏ qua trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngày 8/4, trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định chủ trương của Bộ NN-PTNT là lấy khoa học công nghệ làm trụ cột để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao giá trị gia tăng, theo đó công nghệ biến đổi gen là một thành tựu khoa học của nhân loại, không thể bỏ qua.

Khoa học phải phục vụ sản phẩm mũi nhọn

Trả lời các ĐBQH về chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa chưa khai thác hết bởi trong suốt 30 năm qua chúng ta phát triển theo chiều rộng, chú trọng vào số lượng nhằm mục tiêu xuất khẩu.

Tuy đã vươn lên trở thành 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng để bà con nông dân được hưởng lợi nhiều hơn từ sản xuất nông nghiệp thì phải đầu tư sâu vào chế biến nâng cao giá trị gia tăng, đây chính là dư địa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và được xác định là khâu then chốt nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhận trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc nghiên cứu khoa học ứng dụng phục vụ sản xuất, ông nói: “Nước ta có trên 10 triệu hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp nên không thể để nông dân tự đứng ra tự nghiên cứu khoa học, tự chuyển giao công nghệ mà đây là công việc của nhà nước”.

Thực tế, thời gian vừa qua số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và đã được chuyển giao công nghệ, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp không phải là ít. Tính riêng sản phẩm lúa gạo, 5 năm qua, chúng ta đã nghiên cứu và làm ra tới 102 giống lúa nhưng xuất khẩu lúa gạo không tăng đột phá vì chất lượng không cao.

Vấn đề là phải đầu tư nghiên cứu khoa học như thế nào cho có hiệu quả? Quan điểm của Bộ NN-PTNT trong thời gian tới sẽ hạn chế nghiên cứu dàn trải, chỉ tập trung đề tài khoa học cho những sản phẩm có thế mạnh. Nghiên cứu số lượng ít nhưng chất lượng cao, giá trị thương mại cao.

“Không thể tiếp tục theo cách chúng ta đã làm trong 30 năm qua. Hiện chúng ta không tự sản tự tiêu mà là phát triển hàng hóa. Vì vậy phải điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất theo lợi thế của từng ngành, từng vùng. Ta không thể sản xuất tất cả các loại cây, loại con, không thể cạnh tranh bằng khoai tây, lúa mì, đậu tương nhưng có thể cạnh tranh bằng cá tra, tôm, lúa gạo… Bộ sẽ chỉ ưu tiên những đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ những sản phẩm cạnh tranh”, Bộ trưởng khẳng định.

Điểm nhấn thủy sản

Trên cơ sở chủ trương ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học cho các sản phẩm mũi nhọn mà Bộ trưởng vừa nêu, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) bày tỏ băn khoăn vì hiện nay đầu tư hỗ trợ sản xuất cũng như nghiên cứu khoa học cho thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL còn chưa rõ nét. Cả vùng thủy sản rộng lớn nhưng cũng chỉ có một Viện nghiên cứu khoa học, hệ thống thủy lợi dành riêng cho nuôi trồng thủy sản không có?

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT xác định thủy sản là mũi nhọn ở ĐBSCL trong đó có cá tra, tôm. Thời gian qua Bộ đã đặc biệt quan tâm đến hai sản phẩm này và đã rà soát quy hoạch vùng nuôi trồng, nghiên cứu mô hình, đầu tư cơ sở hạ tầng theo từng loài cho phù hợp.

Về hệ thống thủy lợi dành riêng cho thủy sản ở ĐBSCL, Bộ đánh giá đây là kênh đầu tư hiệu quả nhất, phải ưu tiên số 1 nhưng hiện nay nguồn vốn Chính phủ đang còn hạn chế nên tạm thời chưa thực hiện được tuy nhiên sẽ triển khai sớm nhất, ngay khi có vốn.

Việc thành lập ít cơ sở nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL quan điểm của Bộ trưởng Cao Đức Phát thì không nhất thiết phải thành lập nhiều Viện nghiên cứu mà các Viện nghiên cứu chỉ nên thực hiện những đề tài lớn, trọng tâm, mang lại hiệu quả cao cho xã hội. Còn những đề tài nghiên cứu nhỏ có thể để các đơn vị khác như trường đại học thực hiện.

Bộ cũng đang rà soát lại cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các Viện nghiên cứu hoạt động có hiệu quả nhưng chủ trương của Bộ muốn huy động thêm nhiều thành phần tham gia nghiên cứu ứng dụng khoa học trong nông nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp để đảm bảo tính thiết thực của đề tài nghiên cứu khoa học.

Vùng nguyên liệu và công nghệ biến đổi gen

Quan tâm đến các giải pháp vĩ mô để phát triển nông nghiệp bền vững, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng gửi nhiều câu hỏi đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời bao gồm việc tạo vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và quan điểm của Bộ về việc ứng dụng công nghệ biến đổi gen.

Nội dung trên cũng được ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) đề cập đến với những quan ngại về chất lượng con giống cũng như sự phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến chi phí lớn. Chi phí thức ăn chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận những tồn tại của ngành chăn nuôi luôn là mối lo lớn, thường trực nhất của Bộ NN-PTNT do đặc thù chăn nuôi ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún nên rủi ro dịch bệnh rất cao. Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích chăn nuôi quy mô lớn nhưng vì lý do an sinh xã hội mà đến nay vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ.

Về thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng cho rằng con đường tất yếu là phải phát triển thức ăn chăn nuôi công nghiệp và có thể phải ứng dụng công nghệ biến đổi gen để tạo vùng thức ăn chăn nuôi. Bộ NN-PTNT đã xây dựng vùng trồng ngô và sản xuất ngô trong nước sẽ phát triển nhanh vì chúng ta nắm được tiến bộ kĩ thuật.

“Công nghệ biến đổi gen là thành tựu của nhân loại mà chúng ta không thể bỏ qua. Bộ NN-PTNT đã khảo kiểm nghiệm một số giống ngô biến đổi gen và đang tiếp tục đánh giá”, Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Ông cũng cho biết thêm, riêng đối với đỗ tương thì hiện nay năng suất của Việt Nam còn thấp hơn năng suất trung bình của thế giới nên trước mắt chưa thể xây dựng vùng nguyên liệu.

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng

Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, Bộ KH-CN đã tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình sản phẩm quốc gia, theo đó sẽ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu từ khâu sản xuất đến kinh doanh và xây dựng thương hiệu.

Nông nghiệp có 3 sản phẩm trong chuỗi này gồm cá da trơn, lúa và nấm… Đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học khác bao gồm cả nông nghiệp, Bộ đang xây dựng cơ chế nghiên cứu khoa học theo cơ chế đặt hàng. Các Bộ, các cơ quan nhà nước sẽ trực tiếp đề xuất với Bộ KH-CN những đề tài nghiên cứu tránh tình trạng các nhà khoa học tự đề xuất nghiên cứu đề tài để rồi không có tính ứng dụng.

Cũng theo Bộ trưởng Quân, trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều tiềm năng nghiên cứu khoa học, ví dụ như thức ăn chăn nuôi hầu như trong những năm qua không có mấy đề tài nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi, máy móc nông nghiệp rất cần thiết nhưng ngành cơ khí chế tạo chưa thực sự quan tâm…

NAM PHƯƠNG

Trích nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/123588/Thoi-su/Khong-the-bo-q…